‘Con người là loài động vật duy nhất mà sự tồn tại cần đi tìm lời giải.’ Câu nói của Erich Fromm, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khơi dậy trong chúng ta khát khao đi tìm sự thật về nguồn gốc của mình. Phần lớn chiều dài lịch sử, thế giới được cho là do một đấng thần linh nhào nặn, nhưng đến năm 1858, Charles Darwin đưa ra thuyết tiến hóa, đòi hỏi con người phải đập vỡ ảo tưởng và đi tìm sự thật.
Cuốn sách này sẽ minh họa khái quát về nguồn gốc các loài, nguồn gốc của chúng ta, khoa học ngày nay đã chứng minh mọi sinh vật như hiện nay là do ‘tiến hóa’, vậy câu hỏi khó hơn là ‘như thế nào?’ Siêu thị lực của đại bàng, siêu thính lực của chó, phải chăng mỗi loài được phú cho một số khă năng vừa đủ để tồn tại. Nhưng loài người lại vượt trội trên tất cả, chúng ta có được các vị thần ưu ái? Hay chỉ đơn giản là tổ tiên của chúng ta đã rất vất vả?
Điều kiện môi trường thay đổi là tiền đề để sinh vật thay đổi, chúng ta gọi đó là ‘sự thích nghi’, yếu tố căn bản của tiến hóa. Những ví dụ sinh động được đề cập trong cuốn sách giúp ta hiểu rõ hơn về sự thích nghi, do đâu một con bướm nhạt màu lại sinh ra một con bướm màu xám, tại sao chim gõ kiến không bị tổn thương não sau những việc mà nó làm hàng ngày. Nhưng ở trường hợp chim gõ kiến không thể không đặt ra một câu hỏi trái chiều, là do Thiên chúa đã tạo ra nó như vậy nên nó lựa chọn công việc thích hợp nhất từ hình hài và cấu tạo nó được ban cho?
Trong thuyết ‘tiến hóa’, không xuất hiện sự ‘thoái hóa’, tất cả các loài đều thay đổi theo hướng tích cực, ta có thể nghi ngờ điều này. Vì tiến hóa do chọn lọc tự nhiên về cơ bản là ‘không có trí khôn’, nó không thể hoạch định một kết quả rồi đưa ra những thay đổi phù hợp hướng tới kết quả đó. Để giải thích nghi vấn này, Darwin đưa ra kết luận: ‘chọn lọc tự nhiên là tích lũy, nên nhiều thay đổi nhỏ cuối cùng sẽ gộp lại thành một thiết kế tuyệt diệu’.
Cuốn sách không chỉ có những hình ảnh minh họa sinh động, còn đưa ra nhiều ý kiến của các nhà khoa học giúp ta có cái nhìn bao quát toàn bộ cuộc tranh luận dai dẳng này. Tuy nhiên, chỉ đưa ra những đồng thuận mà không có phản đối, đó cũng là điểm trừ của cuốn sách: chưa đưa ra được những hạn chế của thuyết tiến hóa. Thuyết tiến hóa đã bỏ qua nhiều thiếu sót của các mắt xích trung gian, chẳng hạn quá trình một tế bào nhân sơ biến thành tế bào nhân chuẩn. Và chính Darwin, trong những năm cuối đời, đã phải trăn trở về phát kiến của mình: ‘Tôi thường rùng mình ớn lạnh, tự hỏi rằng có lẽ nào mình đã hiến dâng bản thân cho một ảo tưởng tiến hóa chăng?’
Phần cuối của cuốn sách là những mối lo ngại về tương lai Trái Đất, một vấn đề thiết thực rất đáng quan tâm trong tiến trình tiến hóa. ‘Số phận của chúng ta?’ Đó là một câu hỏi kích thích tò mò chẳng kém ‘Nguồn gốc của chúng ta?’