Nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu giáo dục STEM tại Việt Nam, từ 8h30 – 11h30, chủ nhật ngày 15/11/2020, tại The Vuon, Tầng 3 tòa nhà D2 – Tháp A, D2 Giảng Võ, Hà Nội Công ty Cổ phần Xuất bản và Dữ liệu ETS tổ chức lễ ký kết hợp tác với Học viện Sáng tạo S3 và Cộng đồng giáo viên STEM. Song hành với buổi lễ ký kết sẽ là Talkshow “Giáo dục STE(A)M: Phát triển tư liệu dạy học trong kỷ nguyên số”.
Tại buổi ký kết này, hai bên thống nhất phối hợp lựa chọn và ra mắt những đầu sách STEM chất lượng dành cho độc giả nói chung, cộng đồng giáo viên STEM cũng như các em học sinh trên toàn quốc nói riêng. Các đầu sách này không chỉ là những cuốn sách tài liệu tham khảo chuyên sâu phục vụ công tác giảng dạy STEM, mà còn là những đầu sách khoa học thường thức về các chủ đề kỹ thuật, công nghệ máy tính, AI và các sách tham khảo khác.
Mục tiêu của việc hợp tác này là khơi gợi niềm say mê tìm tòi, khám phá về khoa học của các em học sinh, đồng thời khuyến khích biết áp dụng linh hoạt các kiến thức trong sách vào cuộc sống. Và chính những cuốn sách chất lượng này cũng là một nguồn tài liệu tham khảo hoặc giáo trình chính thức trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu STEM tại các trường học. Trong việc hợp tác này, Học viện Sáng tạo S3 và Cộng đồng giáo viên STEM đóng vai trò chuyên môn, chọn lọc và giới thiệu các cuốn sách hay, hữu ích, đồng thời trực tiếp tham gia biên dịch, hiệu đính; trong khi đó ETS sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm mua bản quyền, xuất bản và phân phối sản phẩm.
Buổi ký kết có sự tham gia của nguyên Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận và ông Đỗ Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Long Minh, đại sứ tiêu biểu cho phong trào giáo dục STEM.
Song song với Lễ ký kết, ETS cùng Học viện Sáng tạo S3 cũng tổ chức Talkshow “Giáo dục STE(A)M: Phát triển tư liệu dạy học trong kỷ nguyên số” với sự góp mặt của hai diễn giả TS. Đặng Văn Sơn – Nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3 và ThS. Lê Thị Thu Huyền – Nhà sáng lập hệ thống trường mầm non STEAMe Garten. Tại buổi talshow này, hai diễn giả đã chia sẻ nhiều vấn đề mà công tác dạy học STEM hay gặp phải như: Vì sao các trường cần triển khai các chương trình dạy học và thực hành STEM? Làm thế nào để tiếp cận những nguồn học liệu mới cho công tác giảng dạy? Làm thế nào để thiết kế một buổi giảng dạy và thực hành STEM? Cách vận dụng từ tài liệu giảng dạy vào thực tế?
Chia sẻ về sự cần thiết của việc đưa STEM vào giảng dạy trong nhà trường, ThS. Lê Thị Thu Huyền – Nhà sáng lập hệ thống trường mầm non STEAMe Garten cho biết: Rất nhiều ngành nghề trong xã hội mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây như nghề xe ôm công nghệ, youtuber... và với sự phát triển như vũ bão của công nghệ như hiện nay, rất khó để có thể biết được những ngành nghề nào sẽ thịnh hành trong 15-20 năm nữa. Vì vậy trách nhiệm của thầy cô, cha mẹ là phải dạy cho các con kỹ năng thích nghi với biến đổi dù công nghệ có phát triển như thế nào đi chăng nữa. Các con cần phải có kỹ năng quan trọng như tư duy, phản biện, sáng tạo, hợp tác... giáo dục STEM với đặc trưng học qua trải nghiệm, hướng người học vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tế sẽ giúp trang bị tốt cho các con kỹ năng này, và thích ứng với mọi thay đổi.
Tham gia chương trình với tư cách khách mời đặc biệt, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty CP Sách Long Minh, đại sứ tiêu biểu cho chương trình giáo dục STEM tại Việt Nam cho biết: Chưa có tổng kết cụ thể về chương trình giáo dục STEM tại Việt Nam; nhưng đến nay Liên minh giáo dục STEM, cộng đồng giáo viên giảng dạy STEM tại Việt Nam đã gặt hái được những thành công ban đầu, đào tạo ra được nhiều học sinh đam mê tìm hiểu toán học, khoa học kỹ thuật, công nghệ, trong đó có những học sinh rất xuất sắc như em Nguyễn Mạnh Quân, đạt 3 Huy chương vàng quốc tế (Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2018 IJSO (góp phần đưa đoàn Việt Nam xếp thứ Ba toàn đoàn); Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn Quốc tế năm 2019 với số điểm tuyệt đối cao nhất kỳ thi; mới đây nhất là HCV Olympic Vật lý Châu Âu 2020). Đoàn Việt Nam từ khi không có thí sinh tham dự cuộc thi Olympic vật lý thiên văn năm 2015, đến năm 2018 đã lọt vào Top 10 nước đứng đầu cuộc thi, năm 2019 lọt vào Top 5 quốc gia có kết quả cao nhất tại cuộc thi. “Xét trên bình diện rộng hơn, giáo dục STEM sẽ giúp đào tạo nên lực lượng nhân sự trẻ am hiểu toán học, khoa học kỹ thuật, công nghệ có đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội” ông Hoàng Sơn cho biết.
TS Đặng Văn Sơn cũng cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại sách STEM khác nhau. Có những cuốn truyền cảm hứng cho người đọc như các cuốn sách viết về các nhà khoa học lớn trên thế giới, hay đơn giản như cuốn”Người thu gió” viết lại giáo dục STEM đã thay đổi cuộc đời của một cậu học sinh nghèo khó tại châu Phi như thế nào. Bên cạnh đó là các cuốn sách truyền tải kiến thức,hướng dẫn thực hành khoa học giúp thầy cô đưa giáo dục STEM đến với học sinh. Tuy nhiên, TS Sơn cũng lưu ý các thầy cô khi tham khảo những cuốn sách này “khi tiến hành làm các thí nghiệm, trải nghiệm cho học sinh, thầy cô không cần phải làm quá chính xác, mà cái quan trọng cần chú ý là những câu chuyện, vấn đề xung quanh, địa phương hoá, sao cho truyền cảm hứng, khuyến khích các em tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi”.
ThS. Lê Thị Thu Huyền bổ sung: Không chỉ hữu ích với học sinh, các cuốn sách STEM còn là nguồn tham khảo, cung cấp nhiều ý tưởng hấp dẫn cho giáo viên trong giảng dạy, thậm chí viết sách STEM phù hợp với tư duy của người Việt Nam, bối cảnh xã hội Việt. Giáo dục STEM không chỉ là truyền đạt cho học sinh những kiến thức gì mà là sự tương tác với học sinh. Người giáo viên STEM giỏi phải là người biết chọn đúng mục tiêu và cách thức để truyền tải kiến thức cho học sinh. “Ví dụ thí nghiệm về sự phun trào của núi lửa, thí nghiệm dùng bakingsoda+giấm không phản ánh đúng bản chất của hiện tượng là do có sự gia tăng nhiệt. Theo tôi thí nghiệm này thầy cô nên đun lên 1 nồi cháo hoặc 1 nồi riêu cua để các con thấy được đúng bản chất của hiện tượng”.
Phần cuối chương trình, các diễn giả cũng như ông Đỗ Hoàng Sơn cũng đưa ra nhiều hướng dẫn hữu ích cho các thầy cô giáo tham gia chương trình trong việc tạo lập thói quen đọc sách cho trẻ như: lựa chọn sách phù hợp lứa tuổi, xây dựng tủ sách lớp học, tạo ra môi trường trao đổi việc đọc sách trong lớp cho các con...
Có thể nói, giáo dục STEM tại Việt Nam hiện nay vẫn đang ở trong giai đoạn khởi đầu với số lượng hơn 200 trường học có giáo dục STEM trên cả nước. Đây cũng chính là cơ hội cũng như trách nhiệm đặt lên vai các nhà xb, công ty sách như ETS, Long Minh Book... trong việc mua bản quyền, xuất bản nhiều hơn nữa các đầu sách hữu ích, giúp hỗ trợ phát triển giáo dục steam trong nhà trường. Với đội ngũ thầy cô giảng dạy STEM đó là cơ hội, trách nhiệm với việc tham khảo từ sách vở, từ đó phát triển, sáng tạo ra những phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với học sinh Việt Nam, góp phần đào tạo nên một lớp chủ nhân tương lai tài giỏi cho đất nước; thậm chí có viết sách, bán bản quyền các phương pháp giảng dạy này ra nước ngoài.