Giỏ hàng

Những nhà thiên văn học mang tên tuổi Việt Nam ra thế giới

Đăng bởi CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT BẢN VÀ DỮ LIỆU ETS ngày bình luận

Thiên văn học là một trong những ngành khoa học ra đời sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Thiên văn học xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, từ thời chúa Trịnh. Dấu tích hiện nay còn lưu lại ở phòng trưng bày trạm thiên văn ở Kiến An, Hải Phòng: Bảng đo thời tiết của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác.

Sắp tới đây, nhân dịp chào mừng ngày KHCN Việt Nam 18/5, hãy cùng ETS nhìn lại những nhà thiên văn học đã mang tên tuổi Việt nam ra thế giới cùng những đóng góp thành tựu của họ nhé.

1. Giáo sư Nguyễn Quang Riệu

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu sinh năm 1932 tại Hải Phòng, sang Pháp du học năm 18 tuổi. Ông từng làm việc tại Đại học Sorbonne, Paris và Giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris. Ông cũng là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp. Năm 1973, ông được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Khoa học Pháp sau khi phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga. Ông đã công bố trên 150 công trình khoa học về vật lý thiên văn trên các tạp chí nổi tiếng.

Những cuốn sách nổi tiếng của ông có thể kể đến như: "Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại", "Lang thang trên dải Ngân Hà", "Sông Ngân khi tỏ khi mờ", "Bầu trời tuổi thơ".

Giáo sư Nguyễn Quang RIệu. Ảnh: Vjsonline.Org

Từ năm 1976, ông thường xuyên về nước tham gia phát triển, phổ biến ngành vật lý thiên văn và vật lý môi trường, hai lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là một trong những nhà khoa học tiên phong trong phổ biến, gợi mở tình yêu của giới trẻ Việt đối với thiên văn.

2. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận hiện là Giáo sư ngành vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, Mỹ. Giáo sư Thuận cũng là nhà văn với nhiều cuốn sách có giá trị cao về vũ trụ học, bàn về suy nghĩ trong mối tương quan giữa khoa học và niềm tin bản thân.

Ông được trao nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và văn hoá xã hội: Năm 2007, ông được trao Giải Moron của Viện Hàn lâm Pháp cho tác phẩm “Les Voies de la lumière” (Những con đường của ánh sáng) và Giải Kalinga 2009 của UNESCO về các đóng góp trong đại chúng hóa khoa học.

Giáo sư, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận tại buổi giao lưu với hơn 300 độc giả tại TP.HCM. Ảnh: Sơn Phạm 

Năm 2014, Chính phủ Pháp trao Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cho ông vì những đóng góp thúc đẩy sự phát triển văn hóa khoa học, hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong lĩnh vực vật lý thiên văn.

3. Lưu Lệ Hằng – nhà thiên văn nữ đoạt “Nobel Thiên văn”

Lưu Lệ Hằng (còn gọi Jane Lưu) là nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt sinh năm 1963, quê gốc Bắc nhưng lớn lên ở miền Nam. Năm 1975, bà sang Mỹ định cư. Năm 1984, bà là thủ khoa Cử nhân vật lý tại Đại học Stanford, sau đó là bằng Thạc sĩ Cao học tại Viện Berkeley thuộc Đại học California. Năm 1990, bà nhận bằng Tiến sĩ vật lý thiên thể của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Năm 1991, bà nhận Giải thưởng Annie J. Cannon trong Thiên văn học từ Hội thiên văn học Mỹ. Năm 1992, bà nhận bằng tiến sĩ tại Viện Kỹ thuật Massachusetts, nhận học bổng Hubble của Đại học California-Berkeley.

TS. Lưu Lệ Hằng gặp cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2015. Ảnh: tintuc.hues.vn

Năm 1992, bà cùng thầy hướng dẫn khám phá ra vật thể đầu tiên trong vành đai Kuiper. Nhờ đó bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli - được xem là giải Nobel trong lĩnh vực vật lý thiên văn vào năm 2012 của Na Uy.

Cũng trong 2012, tại Hong Kong, Quỹ Shaw đã xướng danh người đạt giải Shaw Thiên văn học 2012 là giáo sư Lưu Lệ Hằng về những đóng góp của bà trong việc định danh "các vật thể ngoài Hải Vương tinh".

4. Trịnh Hữu Châu - phi hành gia bay vào vũ trụ

Trịnh Hữu Châu (còn gọi là Eugene Trinh) sinh năm 1950 tại Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1972, sau đó nhận học bổng và hoàn thành luận án thạc sĩ vật lý và triết học trong hai năm 1974 và 1975. Hai năm sau, ông nhận bằng tiến sĩ vật lý ứng dụng ở Đại học Yale. Năm 1979, ông làm việc tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực của NASA. Hiện tại, ông là Giám đốc bộ phận khoa học tự nhiên tại trụ sở của NASA ở thủ đô Washington, Mỹ.

Trịnh Hữu Châu - phi hành gia Mỹ gốc Việt làm việc cho NASA

Cùng với phi hành đoàn tàu Columbia STS-50, ông thí nghiệm động lực học chất lỏng, kỹ thuật điều khiển chất lỏng trong điều kiện không bình chứa trên quỹ đạo trong gần 14 ngày (cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 1992).

Trịnh Hữu Châu trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 25/6/1992 trong chuyến bay STS-50 của NASA, ở ngoài vũ trụ 13 ngày 19 giờ 30 phút. Sau anh hùng Phạm Tuân, đây là dòng máu Việt thứ 2 bay vào vũ trụ.

5. Viện sĩ Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế Nguyễn Xuân Vinh

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh sinh năm 1930 tại Yên Bái. Từ khi còn nhỏ, ông đã là người có năng khiếu toán. Ông viết sách từ rất sớm và đã có sách được xuất bản khi còn là học sinh.

Năm 1962, ông đến Mỹ để bắt đầu sự nghiệp khoa học khi 32 tuổi. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên, cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng Tiến sĩ Khoa học Không gian sau khi thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho Phi thuyền do NASA tài trợ.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên Mặt Trăng thành công, đồng thời ứng dụng vào thu hồi các phi thuyền con thoi trở về Trái Đất an toàn. Ông còn là nhà văn với bút danh Toàn Phong đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông thường xuyên được mời tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại nhiều đại học lớn và các hội nghị quốc tế.


Cũ hơn Mới hơn

messenger